PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG KÊ ĐƠN THUỐC BHYT ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN NGHI XUÂN
Lương Văn Luân, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Hữu Thành
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Chúng tôi thực hiện đề tài này với 2 mục tiêu: Phân tích việc thực hiện quy chế chuyên môn trong kê đơn thuốc BHYT và Phân tích một số chỉ số sử dụng thuốc điều trị ngoại trú tại bệnh viện.
2. Đối tượng và phương pháp
Toàn bộ đơn thuốc BHYT ngoại trú kê đơn từ 17-19/9/2018 trừ đơn thuốc lao và vị thuốc YHCT. Sử dụng phương pháp mô tả hồi cứu cắt ngang.
3. Kết quả nghiên cứu
Về thực hiện quy chế kê đơn: 100% đơn thuốc có đầy đủ thông tin họ tên, tuổi, giới tính bệnh nhân. Đơn thuốc trẻ dưới 72 tháng chưa ghi số tháng tuổi, chưa có họ tên bố, mẹ hoặc người giám hộ. 18.21% đơn thuốc ghi chẩn đoán không đầy đủ. 18,32% đơn thuốc có đầy đủ chữ ký của bác sĩ và gạch chéo phần đơn còn lại. 17,72% đơn thuốc có tên thuốc được ghi đúng theo quy định về ghi tên thuốc. 100% thuốc được kê đơn có hướng dẫn sử dụng nhưng có 36,99% đơn hướng dẫn viết tắt, sai chính tả, 14,29% đơn thuốc hướng dẫn sai liều dùng và 56,59% đơn thuốc không hướng dẫn thời điểm dùng thuốc.
Về phân tích một số chỉ số sử dụng thuốc: Số chẩn đoán trung bình là 2.79 ± 1.7 chẩn đoán/đơn thuốc. Số thuốc trung bình là 3.26 ± 1.05 thuốc/đơn thuốc. Tỷ lệ kê đơn có kháng sinh chiếm 46.15%. Tỷ lệ đơn thuốc có vitamin chiếm 44.32%. 0.07% đơn thuốc kê thuốc tiêm. Tỷ lệ sử dụng thuốc chế phẩm YHCT là 37.54%. Chi phí thuốc trung bình là 97.569 đồng/ đơn thuốc. Chi phí tiền thuốc chiếm 38.41% chi phí khám bệnh.
4. Kết luận
Việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Tỷ lệ kê đơn thuốc có kháng sinh, vitamin còn cao.
PHÂN TÍCH DANH MỤC THUỐC SỬ DỤNG TẠI
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN NGHI XUÂN NĂM 2017
Hà Thanh Sơn, Nguyễn Đức Vui, Lương Văn Luân
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Chúng tôi thực hiện đề tài với 2 mục tiêu: Mô tả cơ cấu về số lượng và giá trị của danh mục thuốc theo một số chỉ tiêu và phân tích danh mục thuốc theo phương pháp phân tích ABC và VEN sử dụng tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân năm 2017.
2. Đối tượng và phương pháp
Danh mục thuốc đã sử dụng tại bệnh viện từ 01/10/2016 đến 30/9/2017. Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang.
3. Kết quả nghiên cứu
Về cơ cấu danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện năm 2017: Danh mục thuốc của bệnh viện gồm 21/27 nhóm dược lý và nhóm thuốc chế phẩm YHCT. Nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất 18,12% và có giá trị cao nhất 34,52%. Thuốc nội chiếm 66,11% số khoản và 50,19% giá trị thuốc. Thuốc đường uống chiếm 52,68% và 57,31% giá trị. Thuốc chế phẩm YHCT chiếm 11,07% số thuốc và 18,26% giá trị.
Về phân tích danh mục thuốc theo ABC/VEN: Thuốc hạng A chiếm 20.47% danh mục nhưng chiếm 75,47% giá trị. Thuốc hạng B chiếm 19,8% danh mục và 17,12% giá trị, thuốc hạng C chiếm 59,73% danh mục, chiếm 7.,41% giá trị. Thuốc nhóm E có tỷ lệ lớn nhất 74,83% và chiếm 80% giá trị. Thuốc nhóm N có tỷ lệ ít nhất 5,7% danh mục, 10,31% giá trị. Thuốc nhóm V chiếm 19,46% danh mục, 9,62% giá trị. Nhóm AN gồm 8 thuốc (2,68%) và chiếm 9,28% giá trị.
4. Kết luận
Cơ cấu danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân 2017 đa dạng và nhiều nhóm thuốc. Kết quả Phân tích ABC/VEN cho thấy danh mục sử dụng hợp lý, tuy nhiên vẫn còn 8 thuốc nhóm AN cần xem xét để giảm chi phí.
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN LIPID MÁU Ớ BỆNH NHÂN
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUYP 2 TẠI BỆNH VIỆN NGHI XUÂN
Hà Thanh Sơn, Nguyễn Đức Vui, Nguyễn Thị Tịnh
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Tìm hiểu đặc điểm rối loạn lipid máu và các mối liên quan giữa rối loạn lipid máu với một số đặc điểm ở đái tháo đường tuyp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Nghi Xuân.
2. Đối tượng
Gồm 110 bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ có và không có rối loạn chuyển hóa lipid điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa Nghi Xuân từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2018.
2. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, tiến cứu
3. Kết quả nghiên cứu
68% bệnh nhân ở độ tuổi > 60. Bệnh nhân nữ chiếm 58,2%, bệnh nhân nam chiếm 41,7%. 50% bệnh nhân thừa cân, trong đó báo phì độ 1 chiếm tỷ lệ cao nhất (32%). Tỷ lệ rối loạn lipid máu chung 65,2%. Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn các thành phần lipid máu: tăng CT 47,8%; tăng LDL-C 38,3%; TG 34,8% và giảm HDL-C 19,1%. 15,6% bệnh nhân rối loạn kết hợp 2 thành phần, kết hợp 3 thành phần 23,5%. Tỷ lệ giảm HDL-C ở bệnh nhân có HbA1c > 7,5% cao hơn có ý nghĩa thống kê so với bệnh nhân HbA1c ≤ 7,5%.
Ở bệnh nhân có BMI ≥ 23 kg/m2, tỷ lệ tăng cholesterol là 58,5%, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với bệnh nhân có BMI < 23 kg/m2.
Tỷ lệ tăng triglycerid và LDL-C ở BN có glucose máu ≥ 7 mmol/l cao hơn có ý nghĩa thống kê so với bệnh nhân có glucose máu < 7 mmol/l;
4. Kết luận
Gần 2/3 bệnh nhân tiểu đường có rối loạn lipid máu, tăng CT chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong điều trị tiểu đường cần đạt mục tiêu HbA1c ≤ 7,5%, Glucose máu <7mmol, BMI ≤ 23 kg/m2.
KHẢO SÁT TÌNH HÌNH NHIỄM KHUẨN PHỤ KHOA CỦA PHỤ NỮ
ĐẾN KHÁM TẠI CÁC TRẠM Y TẾ TRONG ĐỊA BÀN HUYỆN NGHI XUÂN NĂM 2018
Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Huyền Diệu
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn phụ khoa ở phụ nữ đến khám tại các trạm y tế và tỷ lệ mắc một số bệnh phụ khoa thường gặp.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã, thị trấn đến khám tại trạm y tế trên địa bàn huyện Nghi Xuân
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, tiến cứu.
3. Kết quả nghiên cứu
Tỷ lệ viêm phụ khoa trong tổng số phụ nữ đến khám chung toàn huyện là 47,5%. Chiếm tỷ lệ cao nhất là xã Cổ Đạm (83%), thấp nhất là Xuân Đan, Xuân Mỹ (25%), còn các xã khác tương đương nhau. Tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi 20 – 40 là 63,2%. Tỷ lệ viêm cổ tử cung 55,8%, tiếp đến là viêm âm hộ, âm đạo là 23,1% .
4. Kết luận
Gần 1/2 số phụ nữ đến khám tại trạm y tế bị mắc bệnh phụ khoa. Độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao. Bệnh hay gặp là viêm cổ tử cung.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ BẰNG PHƯƠNG PHÁP KÉO GIÃN TRÊN MÁY RXPC 400D,
KẾT HỢP UỐNG BÀI THUỐC QUYÊN TÝ THANG, ĐIỆN CHÂM TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN NGHI XUÂN
Hồ Duy Thương
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Mô tả một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của THCSC và đánh giá kết quả điềutrị THCSC bằng phương pháp kéo giãn cột sống cổ trên máy RXPC 400D, phối hợp thuốc thang, điện châm.
2. Đối tượng nghiên cứu
Gồm 120 bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Nghi Xuân Hà Tĩnh từ tháng 01/2018 đến tháng hết tháng 09/2018.
3. Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu dọc, phương pháp thử nghiệm lâm sàng mở, sosánh trước - sau điều trị và so sánh với nhóm đối chứng.
4. Kết quả và kết luận
Tỉ lệ bệnh nhân nam là 52,5%. Lứa tuổi hay gặp nhất là 60 - 69 (44,2%). Nghề nghiệp: Nhóm cán bộ hưu trí, hội chứng cột sống cổ chiếm tỉ lệ cao nhất: 70,8% và 100%. Đau cột sống cổ mạn: 81,7%. Không có bệnh nhân nào có hội chứng chèn ép tủy cổ. Dấu hiệu X quang hay gặp: Thoái hóa đốt sống cô CIV-CVII ¬ chiếm 68,3%. Thoái hóa đốt sống cô CI-CIII 33,3%. Kết quả sau 20 ngày điều trị kéo giãn cột sống cổ: Kết quả tốt: 21,7%; Kết quả khá: 41,7%; Trung bình: 33,3%, kém: 3,3%. Kéo giản cột sống cổ bằng máy với bệnh thoái hóa đốt sống cổ mang lại hiệu quả khá tốt.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ LỒNG RUỘT CẤP Ở TRẺ DƯỚI 24 THÁNG TUỔI BẰNG BƠM HƠI THÁO LỒNG
Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN NGHI XUÂN TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2018
Lê Viết Hùng, Đặng Duy Anh, Đặng Quốc Dũng
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân lồng ruột cấp và đánh giá kết quả điều trị bằng phương pháp bơm hơi vào đại tràng ở bệnh nhân lồng ruột cấp của bệnh nhân dưới 24 tháng tuổi.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ bệnh án bệnh nhân được chẩn đoán lồng ruột dưới 24 tháng từ năm 01/01/2011 đến 01/10/2018.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu kết hợp tiến cứu.
3. Kết quả nghiên cứu
Có 55 bệnh nhân được ghi nhận. Tỷ lệ Nam/Nữ (1,9/1).Tuổi bệnh nhân lồng ruột chủ yếu tập trung ở trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi chiếm 69,1%, bệnh nhân nhập viện nhiều nhất vào tháng 3, 4 và tháng 10, 11; 12,7% bệnh nhân có tiền sử từng mắc lồng ruột một lần, hai lần chiếm 3,6% . Thời gian trung bình từ lúc khởi phát đến khi nhập viện là 7,24 +/- 4,7 giờ - Đau bụng quấy khóc gặp trong 100% các trường hợp, nôn ói (72,7), phân nhầy máu (3,6%), thăm trực tràng có máu(49,1%) và sờ được khối lồng(50,9%). -Siêu âm xác định chẩn đoán, vị trí và hình ảnh khối lồng chiếm 98,1%. Tỷ lệ thành công đạt 94,6 %, 100% bệnh nhân không có biến chứng, các bệnh nhân thất bại được chuyển tuyến trên điều trị.
4. Kết luận
Tháo lồng bằng hơi là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Nếu được chỉ định hợp lý, tháo lồng bằng hơi giúp giảm nguy cơ phải phẫu thuật. Ngoài ra, tháo lồng bằng hơi còn có hiệu quả trong điều trị các trường hợp lồng ruột tái phát.
KHẢO SÁT KIẾN THỨC BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN NGHI XUÂN NĂM 2018
Đặng Thị Nga, Phan Thị Thu Thảo
TÓM TẮT
1. Mục tiêu
Tìm hiểu thực trạng kiến thức của bệnh nhân tăng huyết áp điều trị ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi xuân năm 2018.
2. Đối tượng
Nghiêu cứu mô tả cắt ngang với 132 bệnh nhân tăng huyết áp.
3. Phương pháp
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu.
Lựa chọn bệnh nhân theo tiêu chuẩn nghiêu cứu và phỏng vấn bằng bộ câu hỏi được soạn sẵn.
Nhập và xử lý số liệu thống kê bằng phần mền SPSS 20.0
4. Kết quả
Đa số BN THA ≥ 70 tuổi (45.5%); Người bệnh biết chỉ số HA cao là 25.8%, NB THA hiểu đúng về bệnh THA không chữa khỏi là 88% và 19,9% hiểu sai khi cho rằng bệnh THA có thể điều trị khỏi hoàn toàn; NB biết biến chứng bệnh Tai biến mạch máu não (90.2%), còn lại các biến chứng khác biết ít hơn như Nhồi máu cơ tim (55.6%), Suy tim (65.9%), Suy thận (34.8%), Tổn thương mắt (43.9%). NB chủ yếu hiểu biết các yếu tố nguy cơ với tỷ lệ cao như: Người cao tuổi (82.6%), Người có thói quen ăn mặn (88.6%), Người cao tuổi (82.6%), Người béo mập (68.9%), có thói quen uống bia rượu (67.4%). Còn lại các yếu tố nguy cơ khác NB ít quan tâm hơn như: Người hút thuốc lá, thuốc lào (38.6%), Bệnh thận, tim mạch (43.2%), yếu tố gia đình (40.9%), Người ít hoạt động thể lực (29.5%)... Có 80.3% số BN tuân thủ khám bệnh định kỳ theo chỉ dẫn điều trị của Bác sỹ, 15.9% NB điều trị không liên tục theo chỉ dẫn của Bác sỹ và có 3.8 % NB không điều trị bằng thuốc. Sự hiểu biết của NB về áp dụng các biện pháp để điều trị bệnh THA còn kém, chủ yếu chế độ về thuốc(79.5%), còn các biện pháp khác như: Chế độ ăn(37.9%), sinh hoạt, luyện tập thể thao(32.6%).
5. Kết luận
Kiến thức, thái độ về bệnh THA của NB đến khám tại BV Đa khoa Huyện Nghi Xuân nhìn chung còn hạn chế, điều này dẫn đến việc BN không tuân thủ điều trị.