Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc xử lý chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, ngày 15/10/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2009/TT-BTC hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam trừ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán ngoại tệ.
Theo đó, toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ của hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản được hạch toán ngay vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.
Nội dung xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái của nghiệp vụ ngoại tệ trong kỳ đã được chia ra làm 3 thời kỳ. Thời kỳ đầu tư xây dựng, thời kỳ sản xuất kinh doanh, và thời kỳ giải thể trong đó chỉ rõ nếu trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của DN mới thành lập, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục có nguồn gốc ngoại tệ được phản ánh lũy kế, riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán. Khi tài sản cố định hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh khác hẳn với giai đoạn sản xuất, kinh doanh thì những chênh lệch trên sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong năm tài chính.
Đối với chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì không hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập mà để số dư trên báo cáo tài chính, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xoá số dư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 44/TC-TCDN ngày 8/7/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp nhà nước và Thông tư số 38/2001/TT-BTC ngày 05/6/2001 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/TC-TCDN ngày 8/7/1997.
Download: Thông tư 201/2009/TT-BTC tại đây