Qua kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện 6 tháng đầu năm 2018, bên cạnh những kết quả đạt được về nâng cao chất lượng bệnh viện như : tổ chức đón tiếp, hướng dẫn tại phòng khám, triển khai thực hiện 5S, báo cáo sự cố y khoa, khảo sát sự hài lòng người bệnh…. thì vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện Đề án cải tiến chất lượng bệnh viện năm 2018. Chất lượng Đề án cải tiến của các khoa/phòng chưa cao, do chưa đánh giá đúng thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, lợi thế của khoa/phòng mình để từ đó xác định các vấn đề ưu tiên cần cải tiến. Một số khoa/phòng chưa xác định rõ các tiêu chí cần cải tiến là nhiệm vụ khoa/phòng mình hay nhiệm vụ chung của bệnh viện. Mặc dù đã có danh sách mạng lưới QLCL nhưng hầu hết các khoa/phòng chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho cá làm đầu mối (phụ trách Chất lượng) để triển khai ý kiến, văn bản chỉ đạo đồng thời báo cáo kết quả với Hội đồng QLCL bệnh viện. Việc xây dựng chỉ số chất lượng còn chung chưa mang tính mới, tính đột phá, tính đại diện cho khoa/mình trong năm, hoặc chỉ số không khả thi, khó đánh giá. Báo cáo sự cố y khoa còn ít, phân tích nguyên nhân gốc và biện pháp khắc phục không cao. Việc triển khai biên soạn các quy trình, phác đồ theo các Hướng dẫn của Cục quản lý Khám chữa bệnh còn chậm, không theo đúng kế hoạch, chất lượng biên soạn chưa cao, chưa có tính sáng tạo trong việc áp dụng vào thực tiễn đơn vị. Một số phòng chức năng còn lúng túng, bị động trong việc xác định nội dung cải tiến của phòng mình để phù hợp với Bộ tiêu chí. 5S đã triển khai khá tốt ở một số khoa nhưng chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát nên khó duy trì bền vững do nhận thức về 5S của nhân viên còn thấp.
Để thực hiện thành công mục tiêu chất lượng bệnh viện năm 2018 đạt 3.1, ngoài nhiệm vụ chung của bệnh viện, các khoa/phòng cần tập trung nỗ lực thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Căn cứ vào Đề án cải tiến chất lượng bệnh viện năm 2018, các khoa/phòng lựa chọn các vấn đề ưu tiên cải tiến phù hợp với đơn vị mình. Cán bộ phụ trách cải tiến chất lượng của khoa/phòng phải luôn tìm hiểu Bộ tiêu chí chất lượng do Bộ Y tế ban hành, phiên bản 2.0, từ đó áp dụng đánh giá vào khoa/phòng mình.
2. Đưa việc báo cáo sự cố y khoa một cách có hệ thống, bài bản. Các sự cố tự nguyện đều có giá trị phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ sai sót. Các sự cố đều được phân tích nguyên nhân gốc, lỗi cá nhân, lỗi hệ thống và đề xuất các giải pháp can thiệp mang tính tổng thể toàn viện.
3. Các đơn vị chủ động thực hiện, báo cáo tiến độ thực hiện các tiêu chí được giao theo tiến độ của quy trình cải tiến chất lượng. Việc đo lường các tiêu chí được thực hiện từng quý thể hiện bằng % kết quả đầu ra.
4. 100% công việc thực hiện tại các khoa/phòng đều được xây dựng quy trình (quy trình kỹ thuật, quy trình điều dưỡng, quy trình tác nghiệp chung….). Các quy trình làm việc sẽ được đưa vào chấm điểm kiểm tra bệnh viện cuối năm. Mỗi khoa/phòng có 1 bộ quy trình trong đó có 01 danh mục các quy trình và nội dung cụ thể từng quy trình.
5. Trưởng các khoa lâm sàng, các BS chuyên khoa tập trung trí tuệ biên soạn Phác đồ điều trị 10 bệnh thường gặp ở khoa mình. Biên soạn phác đồ dựa vào tài liệu Hướng dẫn của Cục quản lý khám chữa bệnh hoăc các trường Đại học Y hàng đầu (Đại học Y Hà Nội, Y Huế, Y Dược thành phố Hồ Chí Minh), tập trung vào các nội dung chính là tiêu chuẩn chẩn đoán, các phương pháp điều trị, thuốc điều trị.
6. Mỗi khoa xây dựng bảng kiểm đánh giá tuân thủ hướng dẫn điều trị cho 5 bệnh thường gặp (ưu tiên những bệnh điều trị kỹ thuật cao, bệnh có chi phí lớn). Trưởng khoa tiến hành giám sát ngẫu nhiên mỗi bệnh là 10 bệnh nhân tại các thời điểm khác nhau. Phòng Kế hoạch tiến hành đánh giá các bệnh do các khoa gửi lên qua hồ sơ bệnh án hoặc qua kiểm tra định kỳ. Tổng số bệnh nhân được giám sát là 50 bệnh nhân/khoa/năm. Phòng Kế hoạch có chỉ tiêu giám sát riêng cho từng khoa.
7. Mỗi khoa xây dựng 1 “Phiếu tóm tắt thông tin điều trị” cho 1 bệnh thường gặp tại khoa. Phiếu phải được phát cho bệnh nhân theo dõi và tham gia vào quá trình điều trị.
8. Các đơn vị duy trì nghiêm túc việc thực hiện 5S tại khoa/phòng mình. Các điều dưỡng trưởng hoặc chuyên trách 5S của các phòng chức năng chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc mọi người trong khoa/ phòng tiếp tục triển khai và duy trì những kết quả đạt được về 5S một cách bền vững.
Để xây dựng một Đề án cải tiến chất lượng tốt không thể không quan tâm đến các nhu cầu nguyện vọng của người bệnh, người dân. “Người bệnh là trung tâm” là quan điểm chủ đạo, xuyên suốt của Đề án cải tiến chất lượng. Có như vậy mới đảm bảo bệnh viện phát triển bền vững trong cơ chế tự chủ và cạnh tranh khốc liệt của thị trường./.
Thanh Sơn