Nhân một trường hợp dấu hiệu Chilaiditi của bệnh nhân Đ.T, 91 tuổi thăm khám tại bệnh viện Đa Khoa Nghi Xuân. Dấu hiệu Chilaiditi được cho là một dấu hiệu hiếm gặp với xác xuất phát hiện qua phim chụp XQ bụng đứng là 0,1% có thể tăng lên đến 1% tùy theo độ tuổi.
Dấu hiệu Chilaiditi được đặt theo tên của bác sĩ X quang Hy Lạp Demetrius Chilaiditi, người đầu tiên mô tả, khi đang làm việc ở Vienna năm 1910. Là một tình trạng hiếm gặp, gây đau, khi một đoạn ruột già (thường là đại tràng ngang) di chuyển và bị kẹt giữa cơ hoành và gan, dấu hiệu này có thể được quan sát thấy trên phim X quang bụng đứng hoặc tim phổi thẳng.
Hinh ảnh XQuang có dấu hiệu về Chilaiditi
Bình thường, bệnh không gây triệu chứng và được gọi là dấu hiệu Chilaiditi. Dấu hiệu này có thể hiện diện thường xuyên, hoặc thỉnh thoảng mới xuất hiện.
Bất thường về giải phẫu học kể trên đôi khi có thể gây nhầm lẫn với các tình huống nghiêm trọng hơn như tràn khí dưới cơ hoành (tràn khí màng bụng = pneumoperitoneum), thường là chỉ điểm cho tình trạng thủng tạng rỗng. Điều này sẽ có thể dẫn đến các can thiệp ngoại khoa không cần thiết.
Hội chứng Chilaiditi nói đến những biến chứng khi có dấu hiệu Chilaiditi, bao gồm đau bụng, xoắn ruột hoặc khó thở.
Bệnh nhân 91 tuổi, đến khám với triệu chứng đau tức vùng thượng vị, sau khi chụp XQ thấy hình ảnh như hình trên, xét nghiệm cho thấy công thức máu bình thường, amilaza trong giới hạn cho phép. Trên siêu âm, ghi nhận không khảo sát được gan qua mặt cắt liên sường do vướng hơi và không ghi nhận bất thường nào khác. Bệnh nhân được chẩn đoán với dấu hiệu Chilaiditi trên phim chụp XQ và nhập viện theo dõi. Sau 2 ngày, toàn trạng bệnh nhân ổn định, được tư vấn kỹ về các nguy cơ biến chứng và ra viện.
Chilaiditi là một tình trạng hiếm gặp trong đó việc chẩn đoán dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng như thủng tạng rỗng, do đó cần cẩn thận trong thăm khám nhất là trong các trường hợp có các dấu hiệu lâm sàng. Dấu hiệu “Chilaiditi” không cần điều trị. Tuy nhiên, điều trị đôi khi được yêu cầu trong trường hợp có triệu chứng, chẳng hạn như đau bụng, táo bón, nôn mửa, suy hô hấp, biếng ăn, hoặc tắc nghẽn. Các trường hợp đó được gọi là hội chứng Chilaiditi và không phải của dấu hiệu Chilaiditi. Việc điều trị hội chứng Chilaiditi thường là không phẫu thuật và bao gồm nghỉ ngơi tại giường, bổ sung chất lỏng, giải nén thông mũi dạ dày, thụt, thuốc tẩy, chế độ ăn uống nhiều chất xơ, và làm mềm phân. Dấu hiệu của Chilaiditi gây khó chịu ở bụng nhẹ đến tắc ruột liên tục đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị, chẳng hạn như thủ thuật cắt bỏ ruột kết, cố định ruột, và cố định gan, cũng có thể được yêu cầu trong trường hợp hiếm hoi.
Bài ảnh: Lê Văn Tuấn